2

    Chuyên mục

      • |
      • Thương Trường

      Chính sách mới sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp

      2 tháng trướcAdministrator

      Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Khi 3 luật cùng có hiệu lực, các vướng mắc này đều được giải quyết sẽ làm tăng nguồn cung. Chính sách nhà ở xã hội cũng sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp.

      Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm

      Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ (nhà ở xã hội) NƠXH.Theo đó, việc phát triển và đầu tư xây dựng NƠXH đã có những chuyển biến tích cực, nguồn cung và số dự án khởi công mới tăng so các năm trước. Cả nước hiện có khoảng 503 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với hồi tháng 3/2024). Trong đó, hoàn thành 75 dự án với 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với 115.379 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với 262.937 căn.

      Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, hiện ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank), có thêm một số ngân hàng thương mại tư nhân đăng ký tham gia. Tuy nhiên, việc giải ngân gói tín dụng này còn chậm. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.234 tỷ đồng. 

      Bên cạnh thúc đẩy phát triển nhà ở, đặc biệt là NƠXH, các tháng đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp, gỡ khó cho thị trường BĐS.

      Theo đó, lượng giao dịch của căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền tăng (quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023); thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán; lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà...

      Chính sách mới sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp
      Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội còn chậm.

      Theo Bộ Xây dựng, bộ tập trung triển khai theo dõi việc thi hành các nghị định, quyết định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 sau khi được ban hành. Bên cạnh, hoàn thiện để Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới và tổ chức thực hiện kế hoạch.

      Cùng với đó, thường xuyên theo sát diễn biến thị trường BĐS, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung NƠXH, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. 

      Nguồn cung nhà ở sẽ tăng dần

      Tại một tọa đàm diễn ra mới đây, các chuyên gia đánh giá, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ giải thoát doanh nghiệp khỏi các vướng mắc pháp lý họ đang mắc kẹt. 

      Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

      Cụ thể là nguồn cung sẽ được cải thiện, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận xét. Trước đây, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có các nhóm vướng mắc về chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ở thương mại, phát triển nhà ở xã hội, điều kiện kinh doanh bất động sản thu hồi, điều kiện thị trường bất động sản của các chủ thể tham gia (nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản)… Khi 3 luật cùng có hiệu lực, các vướng mắc này đều được giải quyết sẽ làm tăng nguồn cung. Chính sách nhà ở xã hội cũng sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, ông Dũng nói.

      Chính sách mới sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp
      Chính sách mới sẽ làm tăng nguồn cung nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp.

      Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản vừa trải qua một đợt khủng hoảng, có tới hàng nghìn dự án phải dừng lại không triển khai được. Lý do là vì vướng mắc về thể chế, pháp lý mâu thuẫn chồng chéo, bất cập khi "đúng theo điều này nhưng lại vướng sai điều khác", dẫn tới cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép được cho dự án. Theo thống kê, có tới trên 3 tỷ USD “nằm” tại các dự án bất động sản không triển khai được.

      "Khi các luật này có hiệu lực, với mỗi dự án, doanh nghiệp sẽ biết sai ở đâu để sửa, chính quyền cũng biết sai ở đâu và sửa, để cấp phép cho dự án theo đúng quy định pháp luật. Các luật tạo ra sự công bằng, minh bạch, hướng tới chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn", ông Đính nói.

      Đặc biệt, hành lang pháp lý mới sẽ giúp sàng lọc chủ đầu tư. “10, 15 năm trước đây, cứ có đất góp vốn sẽ trở thành một chủ đầu tư nhưng sắp tới có đất chưa chắc đã làm được bởi vì liên quan đến đầu ra, liệu có phù hợp thị trường hay không, có được xã hội đón nhận hay không. Khi hành lang pháp lý rõ ràng, các tập đoàn lớn sẽ quyết định đầu tư các loại hình sản phẩm”, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing nói.

      Cũng theo ông Trung, nhiều sàn bất động sản đã chuẩn bị các điều kiện hoạt động theo quy định mới. Nếu quản lý được, chúng ta sẽ đo được chỉ số giao dịch, đồng nghĩa với việc sẽ có cơ sở dữ liệu để ra quyết định đầu tư, hay cấp tín dụng.

      Biên dịch: Administrator